Việc khó khăn trong giảm lãi suất cho vay được xem là rào cản lớn khiến thanh khoản thị trường BĐS đóng trong trong hơn 10 tháng qua. Gần đây, NHNN liên tục hạ lãi suất, nới điều kiện vay… mở ra nhiều giải pháp tài chính cho người mua nhà. Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đón dòng tiền quay trở lại.
Giảm Lãi Suất Cho Vay, Tiền Sẽ Ngưng Đổ Vào Ngân Hàng?
Ngày 12/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố lạm phát chạm đáy 2 năm, thấp hơn nhiều so với dự đoán. Điều này làm dấy lên niềm tin trong giới đầu tư rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc.
Các chuyên gia dự báo, với diễn biến lãi suất điều hành của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cộng với tình hình kinh tế và lạm phát hiện nay,
Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể sẽ giảm thêm một đợt lãi suất điều hành vào cuối năm nay.
Ngân hàng đang có động thái giảm lãi suất cho vay, thị trường BĐS kỳ vọng sẽ đón thêm dòng vốn đáo hạn các tháng cuối năm 2023.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong khi lạm phát Mỹ vẫn còn nóng, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Lãnh đạo NHNN cho hay, thời gian tới, cơ quan này sẽ giảm thêm lãi suất điều hành nếu có điều kiện. Nếu không giảm lãi suất điều hành, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay thêm nữa.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất điều hành trong nước sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý 4/2023 và có thể giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025. Còn Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6%/năm vào cuối năm 2023. Việc giảm lãi suất cho vay có thể xuất hiện rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm.
Đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất huy động quay trở về thời điểm đầu năm 2022 tức tỷ suất lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn. Giới đầu tư kỳ vọng, dòng tiền này sẽ chuyển hướng đổ vào lĩnh vực địa ốc, nhất là khi giá đất, nhà cơ bản đã giảm khá sâu. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản, khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác. Nếu đà giảm lãi suất cho vay và huy động tiếp tục trong các tháng tới đây, dòng tiền từ ngân hàng sẽ quay trở lại thị trường để tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm.
“Tính trong năm 2022, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức và cá nhân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 900.000 tỷ đồng. Quý 3/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Nếu lãi suất huy động và lãi vay tiếp tục giảm, khả năng cao là dòng tiền đáo hạn sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường nhà đất”, ông Đính nhận định.
Thị Trường Địa Ốc Sẽ Đón Dòng Tiền Lớn?
Tín dụng trong BĐS là yếu tố quan trọng. Theo đó, việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay mang lại tín hiệu tích cực, đặc biệt trong vấn đề kích cầu thanh khoản và tạo đòn bẩy để thị trường phát triển. Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng hơn, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến
thị trường BĐS nhưng không quá mạnh mẽ. Dòng tiền sẽ đổ vào lĩnh vực địa ốc nhưng khó nhiều như kỳ vọng.
Sẽ có thêm dòng vốm đầu tư đổ vào thị trường BĐS cuối năm 2023 nhưng khó có biến động lớn.
Theo ông Hiển, một số điều kiện để thị trường hồi phục đó là cần dòng tiền lớn đổ vào lĩnh vực địa ốc, tạo ra thanh khoản và động lực cho việc mua bán. Ngoài ra, giá BĐS phải hạ. Nhưng trong triển vọng năm 2024 không có khả năng xuất hiện một làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường BĐS. “Giảm lãi suất cho vay có thể giúp người mua đang vay mua nhà hiện nay dễ thở hơn, nhưng để thị trường BĐS bức tốc, cần nhiều hơn nữa lực đẩy từ phục hồi kinh tế chung và các chính sách điều hành cũng như hạ tầng cơ sở”, ông Hiển nhận định.
Còn theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Group, để “phá băng” và phục hồi thị trường BĐS, bên cạnh phải giảm lãi suất cho vay về mức 8-9%, kinh tế vĩ mô cũng phải tăng trưởng tốt, vấn đề vướng mắc pháp lý BĐS phải được giải quyết triệt để, đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, hệ thống luật pháp liên quan đến BĐS cũng cần được hoàn thiện. Khi các yếu tố này đồng loạt xuất hiện là thời điểm có thể kỳ vọng thị trường BĐS phục hồi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thanh, TGĐ Công ty CP BĐS Phúc Hưng cho rằng, ngoài yếu tố trên, thị trường BĐS còn chịu chi phối từ mức độ hấp thụ và niềm tin của người mua nhà. Khi cơ quan quản lý kiềm chế tốt lạm phát, ổn định lãi suất, phục hồi kinh tế, minh bạch pháp luật sẽ tạo ra tác động tốt và lấy lại được niềm tin của khách hàng mua BĐS.
Các chuyên gia cũng có chung nhận định, quý 4/2023 sẽ là mốc gần nhất để kiểm tra lại vùng kháng cự của lực cầu trên thị trường BĐS khi lãi suất tiết kiệm hạ và lãi suất cho vay điều chỉnh, cửa tín dụng nới dần. Đây chính là giai đoạn thử thách quan trọng quyết định cơ hội phục hồi tăng trưởng của thị trường địa ốc.
Phương Uyên
Nguồn: https://thanhnienviet.vn/2023/08/01/ngan-hang-giam-lai-suat-cho-vay-khi-nao-thi-truong-bds-se-phuc-hoi