Quý 1/2019, TP.HCM chỉ có thêm ba dự án nhà liền thổ mới chào bán với tổng quy mô 195 căn biệt thự/nhà phố và 101 căn shophouse. Cả ba dự án mới đều tập trung ở khu Tây thành phố gồm Pier IX (quận 12); Senturia (Gò Vấp) mở bán mới và CityLand Park Hills (quận Gò Vấp) mở bán giai đoạn tiếp theo. Hầu hết dự án mở bán trong quý này ghi nhận tỷ lệ hấp thụ đạt mức tốt với gần 90% sản phẩm sơ cấp chào bán tiêu thụ thành công, có dự án đã tiêu thụ hết 100% rổ hàng ngay trong đợt mở bán đầu tiên.
Tuy không có dự án mới chào bán, khu Đông vẫn dẫn đầu thị trường về nhu cầu tìm kiếm sản phẩm biệt thự/nhà phố. Dữ liệu từ cho thấy, quận 9 hiện là khu vực có nhu cầu giao dịch sản phẩm nhà phố/biệt thự cao nhất TP.HCM.
Cụ thể, tính riêng 3 tháng đầu năm, lượng tìm kiếm sản phẩm này tại quận 9 đạt hơn 120.000 lượt, tăng 3% so với quý 4/2018. Dù không có lượt tìm kiếm cao như quận 9 nhưng Bình Chánh và quận 12 lại là hai thị trường ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất nhu cầu giao dịch nhà phố, biệt thự trong quý này.
Cụ thể, lượt tìm kiếm tại Bình Chánh quý 1 tăng gần 30% so với cuối năm 2018, đạt gần 60.000 lượt. Quận 12 có khoảng 25.000 lượt tìm kiếm, tăng 2% so với quý trước. Cá biệt, quận 2 là địa bàn duy nhất ghi nhận lượng truy cập giao dịch nhà phố/biệt thự giảm mạnh gần 10% so với nhu cầu giao dịch 3 tháng trước đó, duy trì khoảng 50.000 lượt tìm kiếm thay vì 60.000 lượt tại thời điểm quý 4/2018. Nguyên nhân chủ yếu là do quận 2 gần như không có nguồn cung mới, sản phẩm chào bán thứ cấp hạn chế và giá bán đang ở ngưỡng cao nhất trên thị trường hiện nay.
Do nguồn cung rất ít ỏi, lượng hàng tồn sụt giảm mạnh trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nên giá bán sơ cấp và thứ cấp nhà phố/biệt thự tiếp tục tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, giá bán thứ cấp tại các dự án được tìm kiếm nhiều nhất khu vực quận 7 và quận 9 như Lakeview City, Mega Village, Park Riverside, Melosa Garden, Nine South Estates, Lavia Nhà Bè, Villa Park… trung bình vào khoảng 70-120 triệu/m2, tăng từ 25-30% so với giá bán cuối năm 2018. Nhiều dự án thuộc các tuyến đường lớn hay nằm trong các khu đô thị tích hợp vừa hoàn thiện hạ tầng ghi nhận mức tăng từ 40-60%.
Giá bán nhà phố, biệt thự tại TP.HCM tăng mạnh trong quý 1/2019 do khan
hiếm nguồn cung. Ảnh minh họa: Phương Uyên
Theo các chuyên gia, TP.HCM hiện đã không còn nhiều quỹ đất, nhất là quỹ đất lớn để triển khai sản phẩm nhà phố, biệt thự. Cùng với phân khúc căn hộ, nhà phố, biệt thự cũng gặp rắc rối trong quá trình xin cấp phép triển khai. Hiện nay đa phần nguồn cung biệt thự, nhà phố đều nằm trong các khu phức hợp, một khi các dự án căn hộ bị chậm trễ thì các dự án nhà phố, biệt thự cũng chậm theo. Nếu không có những chuyển biến tích cực từ việc cải thiện quy trình pháp lý, tăng trưởng nguồn cung mới của thị trường, trong giai đoạn còn lại của năm 2019 nguồn cung sẽ duy trì ở mức thấp dưới 5% mỗi quý.
Tổng nguồn cung lũy kế hiện tại của TP.HCM vào khoảng 1.600 căn nhà phố/biệt thự và shophouse, khá nhỏ bé so với con số 16.000 căn của thị trường Hà Nội, trong khi nhu cầu mua tại hai thị trường đều cao như nhau. Cũng vì thị trường sơ cấp thiếu hụt nguồn cung mới nên tỷ lệ bán luôn đạt mức cao, các quý tới cũng sẽ có tỷ lệ hấp thụ khả quan và giá mở bán dự đoán sẽ tăng ít nhất 4-5% sau mỗi giai đoạn.
Bên cạnh đó, thị trường trong năm 2019 tiếp tục đón nhận xu hướng dịch chuyển. Trong khi nguồn cung mới tại TP.HCM đang suy giảm vì quỹ đất hạn hẹp thì các thị trường vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang thu hút được nhiều sự chú ý hơn của người mua lẫn các nhà phát triển bất động sản.
Năm qua, nguồn cung tại các thị trường này đang phát triển nhanh chóng và dồi dào nhờ lợi thế giá chào bán vẫn còn tương đối rẻ so với khu vực TP.HCM. Các cơn sốt đất cục bộ đầu năm tại một số khu vực của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Long Thành lẫn quận 9, quận 12, huyện Bình Chánh của TP.HCM ngoài việc nâng mặt bằng giá lên mức mới còn phản ánh sự chuyển dịch trọng tâm thị trường đến các khu vực này ngày càng rõ nét.
Phương Uyên